Đồng Tâm: Kêu gọi khẩn cấp bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu

Hình minh hoạ. Ông Bùi Viết Hiểu tại Toà án Nhân dân TP. Hà Nội hôm 7/9/2020

Hình minh hoạ. Ông Bùi Viết Hiểu tại Toà án Nhân dân TP. Hà Nội hôm 7/9/2020
RFA, ngày 08/9/2020

Vào ngày 7 tháng 9, 6 tổ chức xã hội dân sự độc lập và hơn 50 người dân quan tâm đến vụ này ký tên vào Đơn Yêu cầu Khẩn cấp gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu nhân phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm đang diễn ra từ ngày 7/9.

Đơn nêu lại Kiến nghị của các luật sư tham gia bào chữa gửi đề ngày 3 tháng 9. Theo đó, một trong những người bị đưa ra xét xử, cụ Bùi Viết Hiểu, khai với luật sư về việc chứng kiến một cảnh sát bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước. Lời khai này phù hợp với dấu vết 2 viên đạn xuyên từ ngực ra lưng. Và lời khai này hoàn toàn ngược với kết luận điều tra là cụ Kình bị bắn từ sau lưng. Bản thân ông Bùi Viết Hiểu cũng bị bắn nhưng may mắn sống sót.

Đơn Yêu cầu Khẩn cấp nêu ra 5 điểm trong đó có điểm phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu, chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý.

Đơn yêu cầu tạm ngừng vụ xử và Quốc hội cử người giám sát toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra không để Bộ Công an điều tra vì chính bộ này phê duyệt chiến dịch Đồng Tâm nên không thể khách quan. Một yêu cầu nữa là phải làm rõ cái chết của cụ Lê Đình Kình theo những đơn tố cáo, hoặc phải mở một vụ án độc lập về việc sát hại cụ Lê Đình Kình và mưu sát không thành ông Bùi Viết Hiểu.

Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ dự kiến kéo dài 10 ngày.

Đây là những người bị bắt giữ sau vụ hàng ngàn công an tấn công và xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1 vừa qua liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ đụng độ đã khiến 4 người thiệt mạng gồm 3 công an và một dân thường là ông Lê Đình Kình.