Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 5 từ ngày 25/01 đến 31/01/2021: Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam xé bỏ kháng cáo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 31/01/2021

 

Phó Chủ tịch của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) ông Nguyễn Tường Thụy đã xé bỏ đơn kháng cáo, từ chối quyền kháng án bản án vô nhân đạo đưa ra bởi Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong phiên xử sơ thẩm ngày 05/01 về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” đối với 3 thành viên của hội.

Ông Thuỵ được cho là đã xé bỏ đơn kháng cáo sau khi một số sỹ quan công an yêu cầu ông viết lại đơn kháng cáo theo hướng dẫn của họ. Sau khi từ chối nộp đơn kháng cáo, ông đã bị đưa đến Trại giam Bố Lá, tỉnh Bình Dương, nơi ông sẽ ở một thời gian ngắn trước khi bị chuyển đến một trại giam khác để chấp hành án tù 11 năm. Nhiều khả năng Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch HNBĐLVN, cũng đã bị chuyển từ Trại tạm giam Chí Hòa về Trại giam Bố Lá sau khi ông tuyên bố quyết định không kháng cáo mức án 15 năm tù, mức tù nặng nhất trong hàng chục năm qua đối với tội danh này.

Như tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền đã đưa tin, vào ngày 5/1, Tiến sĩ Dũng, ông Thủy và thành viên trẻ của HNBĐLVN Lê Hữu Minh Tuấn đã bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” vì đã viết bài chỉ trích chính phủ và tham gia vào HNBĐLVN, và bị kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế. Chỉ có ông Tuấn kháng cáo quyết định của tòa án trong khi hai người còn lại từ chối quyền của mình vì họ đã mất niềm tin vào sự xét xử công bằng trong hệ thống tư pháp của Việt Nam.

Trong khi đó, nhà vận động dân chủ và nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục tuyệt thực tuần thứ 10 tại Trại giam số 6 ở Nghệ An. Sức khỏe của ông đã xấu đi nhưng ông tuyên bố không muốn ngừng nhịn ăn để yêu cầu toà án và viện kiểm sát của Việt Nam xem xét trường hợp của ông.

Nhà chức trách Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam tiếp tục kỷ luật tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, người đang chấp hành án phạt tù 14 năm trong trại giam này. Ông Bình đã không được phép gặp gia đình kể từ tháng 10 năm ngoái sau khi ông từ chối mặc đồng phục của nhà tù có in chữ Phạm Nhân.

Trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 25/1 đến 1/2, nhà cầm quyền Hà Nội và nhiều địa phương khác đã duy trì việc giám sát chặt chẽ các nhà hoạt động địa phương và những người khiếu kiện đất đai, cử đặc vụ mặc thường phục canh gác gần nhà riêng của họ cả ngày lẫn đêm để ngănkhông cho họ đi ra ngoài hoặc đi theo họ trong khoảng cách gần.

Vào ngày 27/01, nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã cử nhiều đặc vụ mặc thường phục để theo dõi tại xã Đồng Tâm và gần nhà riêng cũng như lăng mộ của lãnh đạo địa phương Lê Đình Kình, người đã bị công an giết trong cuộc truy quét của3.000 cảnh sát chống bạo động vào xã vào sáng sớm ngày 09/01 năm ngoái. Mật vụ đã dùng camera ghi lại hình ảnh những người từ nơi khác đến thắp hương cho cụ Kình trong ngày giỗ đầu của cụ.

===== 25/01 =====

Phó Chủ tịch HNBĐLVN Nguyễn Tường Thuỵ xé bỏ đơn kháng cáo trong trại giam

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thụy, người cũng viết blog cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), đã xé bỏ đơn kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 5/01 trong trại tạm giam của công an thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị buộc phải viết theo hướng dẫn của viên công an.

Ông Thuỵ bị tuyên án 11 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, cùng với ông Phạm Chí Dũng- chủ tịch Hội, và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn. Trong vụ này, chỉ có ông Lê Hữu Minh Tuấn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ông Thuỵ và ông Dũng đã bị chuyển sang trại giam Bố Lá ở tỉnh Bình Dương, nơi hai ông sẽ bị giữ lại trong thời gian ngắn trước khi bị chuyển đi trại giam khác.

Đọc chi tiết tại đây: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy xé bỏ đơn kháng cáo trong trại giam

———————

Cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp trực tuyến trong dịp đại hội đảng toàn quốc

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp trực tuyến trong dịp đại hội đảng và nạn nhân là nhiều Facebooker cất tiếng nói về tình hình đất nước.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Công an Nhân dân, thiếu tướng Đặng Ngọc Tuyến, cục trưởng cục an ninh chính trị nội bộ của bộ công an cho biết trong thời gian diễn ra đại hội đảng các cấp tới nay, lực lượng an ninh đã “xử lý gần 500 trường hợp” bị phía công an cho là đăng tải, chia sẻ thông tin xuyên tạc, sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.”

Ông ta cũng cho biết công an cộng sản đã triệu tập để răn đe hơn 1.000 Facebooker “tung tin giả mạo,” và củng cố hồ sơ xử lý ban đầu với 500 tài khoản Facebook cá nhân, fanpage hoặc kênh Youtube thường xuyên đăng tải thông tin mà nhà cầm quyền coi là “sai sự thật.”

Ông Tuyến nói rằng lực lượng an ninh sẽ tiếp tục theo dõi các mạng xã hội để phát hiện những người đưa tin gây bất lợi cho chế độ và sẽ có các biện pháp cứng rắn như phạt tiền hoặc hình sự hoá việc đưa tin, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền cho đảng và nhà nước cộng sản.

Từ khi có Luật An ninh mạng, hàng trăm Facebooker và nhà báo độc lập đã bị công an cộng sản tra khảo và bỏ tù vì những bài viết sát sự thật về tình hình đất nước nhưng bất lợi cho chế độ. Chỉ trong tháng 1 vừa qua, có 4 nhà hoạt động bị kết án tổng cộng 44 năm tù giam vì các bài viết của mình. Bên cạnh đó, có hàng nghìn Facebooker bị buộc phải xoá bài viết và phạt tiền từ 7,5 triệu đến 15 triệu.

Cộng sản Việt Nam cũng buộc Facebook và Google tăng cường kiểm duyệt và xoá bỏ các bài viết chỉ trích chế độ.

===== 26/01 =====

Dân biểu Đức bàng hoàng khi nhà báo Phạm Chí Dũng không kháng án

Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Renate Künast bày tỏ sự bàng hoàng trước niềm vô vọng của tù nhân lương tâm vào nền công lý Việt Nam sau khi nghe tin Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng không kháng án bản án 15 năm tù và 3 năm quản chế về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước.”

Trong thông cáo báo chí ngày 26/01, bà Künast nói ông Dũng không kháng cáo vì ông không còn chút hy vọng nào về một phiên xử công bằng tại Việt Nam, và tuyên bố của ông cho thấy rõ tình trạng nhân quyền thảm hại tại Việt Nam. Bà cho cộng đồng quốc tế không được phép ngừng nghỉ trong việc đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.

Bà Künast là chủ tịch nhóm Dân biểu về Quan hệ với ASEAN của Quốc hội Liên bang Đức. Năm ngoái, bà đã nhận bảo trợ cho ông Dũng, gần 1 năm sau khi ông bị bắt.

Trong cùng vụ án với ông Dũng có ông Nguyễn Tường Thuỵ- Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn. Cả hai ông đều bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế. Ông Tuấn đã kháng cáo, còn gia đình ông Thuỵ cho biết ông đã bị chuyển đi Trại giam Bố Lá để thi hành án. Trước đó, gia đình có nhận được tin ông muốn kháng cáo nhưng công an cộng sản Việt Nam muốn ông viết kháng cáo theo ý chúng nhưng ông không đồng ý.

Cộng đồng quốc tế, trong đó có Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Đức… đã đồng loạt phê phán cộng sản Việt Nam trong việc kết án 3 ông, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho 3 ông cùng các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam.

————————–

Dân biểu Châu Âu và Đức yêu cầu cộng sản Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Bắc Truyển

Ba dân biểu Quốc hội Liên bang Đức và một nghị viên Quốc hội Châu Âu đã gửi thư ngỏ tới nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về tình trạng sức khoẻ của hai tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Bắc Truyển hiện đang tuyệt thực trong trại giam ở Việt Nam.

Trong thư, bốn chính khách đã yêu cầu cộng sản Việt Nam cho hai ông Thức và Truyển được tiếp cận các dịch vụ y tế để bảo đảm sức khoẻ và tính mạng của hai ông cũng như bãi bỏ mọi cáo buộc liên quan và trả tự do ngay lập tức cho hai nhà bảo vệ nhân quyền này. Ông Thức hiện đang tuyệt thực sang tuần thứ 10 ở Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An để yêu cầu Hà Nội chấp thuận yêu cầu xem xét thời gian thi hành án của ông trong khi ông Truyển cũng hiện đang tuyệt thực để phản đối cách thức trại giam đối xử hà khắc với phạm nhân ở trại gian An Điềm tỉnh Quảng Nam. Cả hai ông bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” vì các hoạt động cổ suý dân chủ và bảo vệ nhân quyền, với mức án tù là 11 năm cho ông Truyển và 16 năm cho ông Thức.

Thư được gửi qua đại sứ cộng sản Việt Nam ở Đức.

Bốn chính trị gia ký tên trong thư ngỏ gồm 3 dân biểu của Quốc hội Liên bang Đức: bà Renate Künast- Chủ tịch nhóm Dân biểu về Quan hệ với ASEAN, Margarete Bause- Phát ngôn viên về Chính sách Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo, Frithjof Schmidt- thành viên Uỷ ban Ngoại giao; và bà Hannah Neumann- Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền (DROI)của Quốc hội Châu Âu.

===== 27/01 =====

Giỗ đầu cụ Lê Đình Kình: “An ninh chụp ảnh tất cả ai đến thắp hương !”

RFA: An ninh theo dõi và chụp hình tất cả những người đến dự đám giỗ đầu của cụ Lê Đình Kình ở ngoại thành Hà Nội, người đã bị công an bắn chết hôm 9/1/2020. Gia đình cụ Kình cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy qua điện thoại viễn liên hôm 27/1/2021.

Cụ Kình là một trong 4 người thiệt mạng trọng vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020 liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và chính quyền. 3 người khác bị thiệt mạng là công an.

Chị Nguyễn Thị Duyên, con dâu cụ Kình vào tối 27/1 cho hay:

“Gia đình em tổ chức như một như một buổi giỗ đầu thông thường, nhà khác làm như thế nào thì nhà em làm như thế đấy.

Người dân Đồng Tâm cũng đến và thắp hương rất là đông, cả ở nhà và cả ở mộ cụ. Có nhiều người tới lắm anh à, cả trong nhà và cả người ngoài, cỡ khoảng 3/4 làng đó anh.

Những người nào không phải là cán bộ thì họ đều đến để mà thắp hương.”

Cũng theo chị Duyên, có hàng chục nhân viên an ninh mặc thường phục theo dõi lễ giỗ cụ Kình và chụp ảnh tất cả những ai đến thắp hương. Chị cho biết:

“Họ không đe dọa gì cả nhưng mà họ cứ đứng canh gác, tức là ngày hôm qua là ngày 14 (tháng Chạp âm lịch) đã bị canh rồi.

Họ cứ đứng canh vậy thôi, ở cổng làng một chốt, trước cửa nhà em (nhà cụ) một chốt, ở mộ cụ cũng một chốt thâu đêm.

Họ mặc đồ thường, ai đến thắp hương họ đều chụp ảnh hết.

Bọn em ra ngoài mộ cụ thắp hương thì họ cũng chạy ra chụp ảnh, em cứ tưởng là đi theo em nhưng không phải, hóa ra là họ đứng chốt ở đấy từ lâu rồi.”

Sau vụ tấn công hôm 9/1, 29 người dân Đông Tâm đã bị đưa ra toà xét xử với cáo buộc chống người thi hành công vụ và giết người. Hai người con của cụ Kình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình. Những người còn lại bị tuyên án từ tù chung thân đến tù treo.

Theo cháu dâu cụ Kình, luật sư Lê Văn Hòa 3 ngày trước đã vào thăm bố chồng chị là ông Lê Đình Công, một trong những người kháng cáo bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên tử hình hồi tháng 9 năm ngoái.

Trong cuộc thăm gặp ông Công cho biết, ông bị viêm da cơ địa, xuất hiện nấm cả trên đầu và khắp cơ thể gây khó chịu nhưng không được cán bộ trại giam điều trị đúng mức, ông Công đề nghị gia đình gửi thuốc vào.

Ngoài ra, ông Công cũng cho hay tinh thần của ông tốt và sẽ “đấu tranh đến cùng!”

Ông Lê Đình Công là một trong 5 người có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gồm các ông: Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến.

Hiện vẫn lịch xét xử phúc thẩm vẫn chưa được tòa án thông báo đến các luật sư và gia đình.

===== 29/01 =====

Tù chính trị Hoàng Đức Bình tiếp tục không được gặp người nhà

RFA: Trại giam An Điềm vào ngày 29/1 lại không cho tù chính trị Hoàng Đức Bình, hay Hoàng Bình, gặp thân nhân đến thăm theo qui định.

Anh Hoàng Nguyên, em trai ông Hoàng Bình, cho Đài Á Châu Tự do biết về thông tin này như sau:

“Sáng này vào tôi nộp giấy tờ và sổ thăm gặp. Chờ cũng tương đối lâu, khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ thì phía trại giam họ kêu tôi lại, và nói gia đình không được gặp ảnh. Họ có đưa ra cho tôi hai biên bản họ đã lập, một văn bản là ảnh không ký, còn một văn bản nữa là họ lập với người làm chứng là anh không chịu ký vào văn bản, mà thôi. Phần tôi thì họ cũng gửi cho tôi, viết vào sổ thăm gặp là nội dung là anh vi phạm vào những điều mà trại giam quy định thành ra không được gặp. Họ còn trả lại cho tôi thuốc Bắc và một ấm nấu thuốc đợt vừa rồi tôi gửi bưu điện cho anh”.

Hôm 24/11/2020, ông Hoàng Bình cũng không được trại giam cho gặp người nhà với lý do ông Bình vi phạm quy định của trại vì không đồng ý mặc áo tù. Trước đó vào tháng 10 cùng năm, người nhà ông Bình cũng không thể gặp mặt ông Bình vì cùng lý do.

Tù chính trị Hoàng Đức Bình, 38 tuổi, là một nhà hoạt động cho quyền lợi công nhân cũng như bảo vệ môi trường, đặc biệt trong vụ Nhà máy thép Formosa xả thải ra biển làm hải sản chết trên diện rộng dọc bờ biển miền Trung hồi tháng tư năm 2016.

Anh là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt. Đây là một tổ chức độc lập được thành lập vào năm 2008 với mục tiêu thúc đẩy quyền cho người lao động ở Việt Nam.

Anh bị bắt vào giữa tháng 5 năm 2017 rồi bị tòa Nghệ An tuyên án 14 năm tù giam tại phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 6 tháng 2 năm 2018. Đến tháng 4 cùng năm, tòa phúc thẩm giữ y án với các cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức công dân.”

===== 31/01 =====

Nhiều nhân vật bảo thủ ở lại trong ban lãnh đạo cộng sản Việt nam, tình trạng nhân quyền khó được cải thiện

Dân chủ và hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ khó được cải thiện trong 5 năm tới khi nhiều nhân vật bảo thủ của đảng cộng sản Việt Nam vẫn được bầu vào ban chấp hành trung ương khoá 13.

Ngày 30/01, hơn 1.500 đại biểu đại hội toàn quốc lần thứ 13 đã bỏ phiếu lựa chọn 200 đại biểu vào danh sách ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Trong số những người tái cử có đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bộ trưởng công an Tô Lâm, những người chịu trách nhiệm chính về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, một số uỷ viên trung ương xuất thân từ công an như Phạm Minh Chính, Nguyễn Hoà Bình, Phan Đình Trạc dường như sẽ được bầu vào bộ chính trị và sẽ nắm cương vị chủ chốt trong ban lãnh đạo. Như nhiều kỳ đại hội trước, công an và quân đội đều có 5-7 uỷ viên trung ương, nhiều nhất so với các ngành khác.

Ông Trần Quốc Vượng, thường trực ban bí thư và ứng cử viên cho chức tổng bí thư, cùng bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch không được bầu vào ban chấp hành trung ương, đồng nghĩa với việc sẽ phải nghỉ hưu.

Theo nhiều nguồn tin không chính thức, ông Trọng vẫn sẽ là tổng bí thư, ông Phúc làm chủ tịch nước, ông Chính sẽ làm thủ tướng và ông Vương Đình Huệ sẽ làm chủ tịch quốc hội. Ban chấp hành trung ương sẽ họp để bầu tổng bí thư, bộ chính trị và ban bí thư và kết quả sẽ công bố vào ngày 01/02. Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức bầu cử quốc hội và hội đồng các cấp vào tháng 5, và quốc hội mới sẽ bầu các chức danh bên hành pháp. Các cuộc bầu cử này chỉ là hình thức vì đảng cộng sản đã quyết định nhân sự cho các vị trí then chốt.

===========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây