Freedom House lên án bản án dành cho blogger Việt Nam nổi bật trong chiến dịch đàn áp kéo dài nhằm vào tự do ngôn luận

Luật sư Lê Quốc Quân trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2012. Photo credit: AFP.

Luật sư Lê Quốc Quân trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2012. Photo credit: AFP.

Bản dịch của Hành Nhân
(Defend the Defenders)

Freedom House
Ngày 4/10/2013

Freedom House lên án mạnh mẽ bản án hôm nay lên đến 30 tháng tù giam và một khoản phạt 59.000 đôla Mỹ đối với blogger Việt Nam nổi tiếng, là luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân, và kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức và hủy bỏ bản án đó.

Quân đã bị bắt vào tháng 12/2012 và bị buộc tội “trốn thuế”, một cáo buộc thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để đe dọa các nhà hoạt động và bịt miệng những người chỉ trích chính phủ. Trong hai tháng giam giữ đầu tiên, Quân bị biệt giam và hàng nhiều tháng bị từ chối không cho gia đình thăm viếng. Trước khi bị bắt, qua blog phổ biến của mình, Quân đã vạch trần những lạm dụng nhân quyền thường hay bị truyền thông Việt Nam bỏ lơ. Ông cũng bào chữa những vụ án nhân quyền trong những phiên tòa Việt Nam cho tới khi bị tước quyền luật sư vào năm 2007.

Việc bắt giam ông Quân vi phạm những nghĩa vụ của Việt Nam chiếu theo luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm những quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp ôn hòa. Cách đối xử trong khi ông bị giam giữ cũng vi phạm trách nhiệm của Việt Nam theo Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc về Những người Bảo vệ Nhân quyền nhằm đảm bảo và bảo vệ quyền của những người bảo vệ nhân quyền.

Tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm trọng ở Việt Nam, kết quả là quốc gia này bị xếp hạng “Không tự do” trong các báo cáo Tự do trên Thế Giới 2013 (Freedom of the World 2013), Tự do Báo Chí 2013 (Freedom of the Press 2013) Tự do trên Mạng 2012 (Freedom on the Net 2012). Việc sách nhiễu những nhà hoạt động trên không gian mạng ở Việt Nam đã tăng lên kể từ năm 2008, với việc chính phủ tham gia vào một chiến dịch nhằm chống lại các nhà chỉ trích, một cuộc đàn áp các trang blog và truyền thông xã hội, và sự sách nhiễu cũng như bắt bớ các blogger độc lập và gia đình của họ.

* Nguồn: Freedom House