Phải tự do hóa chính trị để đạt được thành công kinh tế?

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 24/01/2019

Tại Việt Nam, tìm kiếm thành quả kinh tế phải nghĩ đến Thủ tướng, còn tìm kiếm kiểm soát chính trị phải nghĩ ngay đến Tổng Bí thư. Luận điểm phải kiểm soát chặt tự do chính trị nhưng vẫn đạt được các thành tựu kinh tế ngày càng trở nên sai trái, dựa trên thực tiễn phát triển quốc gia hơn 40 năm qua. Và sẽ thật khó có thể ‘hóa hổ, thành rồng’ về mặt kinh tế, như phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương diễn ra sáng 17.1 nếu như vẫn bấp chấp các thông lệ và nhân quyền trên thế giới để kiểm soát mọi thứ nhằm trường tồn hóa sự lãnh đạo của bản thân ĐCSVN, bất chấp yếu kém và sự suy thoái về mặt lý tưởng vì dân tộc.

Quan điểm nêu trên của người viết biểu lộ từ khi đọc một bài viết của ban biên tập Eastasiaforum, nội dung là nhằm cho thấy sự tương quan lẫn nhau giữa phát triển kinh tế và tự do chính trị, hay dưới góc nhìn nào đó, thì trở lực tự do chính trị là yếu tố then chốt nhất cho sự kém hiệu quả về mặt kinh tế tại Việt Nam.

Về mặt hình thức, thì cần thừa nhận rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất ở ĐNA trong hơn 10 năm qua, với biên độ 6-7%. Khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc, Việt Nam được xem như một địa điêm hưởng lợi, bởi có thể thay thế Bắc Kinh về mặt ‘công xưởng’ (với chi phí sản xuất thấp). 

Ba yếu tố chính tạo sự thay đổi trong nền kinh tế Việt Nam là: sự đón nhận tự do hóa thương mại quốc tế với sự gia nhập ASEAN năm 1995, WTO năm 2007 và CPTPP năm 2018. Thông qua đó, Hà Nội đã cắt giảm các chi phí (không chính thức?) trong kinh doanh và đầu tư, và những thủ tục rườm rà. Hà Nội vẫn là một quốc gia độc đảng dưới sự kiểm soát chính trị của ĐCSVN.

Cuộc chiến ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng được ví như một sự ‘tìm kiếm thuần khiết về chính trị và đạo đức (trong đảng)’ nhằm củng cố quyền lực chính trị (của đảng), bên cạnh tìm kiếm sự thịnh vượng thông qua nền kinh tế mở. Điều này giống như cách mà Trung Quốc đang làm. Tuy nhiên, có vẻ như có một sự khác nhau về bản chất, khi giấc mơ của Tập là ‘làm cho Trung Quốc trở lại mạnh mẽ’ trong khi ông Trọng ‘cứu ĐCSVN khỏi sự suy đồi đạo đức’.

Theo Eastasiaforum, sự đấu tranh (của ông Trọng hay Tập) để khôi phục tính toàn vẹn của Đảng ở cả Trung Quốc và Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh tế theo thời gian. Chắc chắn, sự thụt lùi về chính trị dường như sẽ gây ra gánh nặng cho nền kinh tế, và tác động đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn so với Việt Nam (Trung Quốc chuyển từ nền kinh tế với thu nhập trung bình sang nền kinh tế tiên tiến, Việt Nam vẫn đang theo kịp tình trạng thu nhập trung bình).

Nhận định nêu trên là đáng chú ý, bởi nó cho thấy, sự tăng trưởng của nền kinh tế và thịnh vượng của xã hội phụ thuộc rất nhiều về mặt chính trị, chính trị nếu không đủ cởi mở, sẽ kéo lùi những thành quả kinh tế mà đáng ra (với tiềm lực tự nhiên và con người) sẽ đạt được. Điều này có thể được hiểu nhanh hơn với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã hoàn toàn thất bại, mà báo Motthegioi đã cho rằng, đó là ‘kết thúc một mơ ước duy ý chí’.

Duy ý chí xuất phát từ chính thể cứng nhắc về mặc huy động nguồn lực, tạo điều kiện nguồn lực, nhưng lại thừa cách (biện pháp) để gia cố quyền lực, mặc dù chính quyền lực đó đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển và đốt cháy các cơ hội phát triển của quốc gia.

Chính vì thế, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam trong một cuộc trao đổi với báo Zing đã tuyên bố thẳng thắn rằng: Các tác động của thể chế, bao gồm lĩnh vực quốc doanh, các thể chế chưa thị trường hoàn chỉnh, và môi trường đầu tư nhiều rào cản đang cản trở việc phân bổ nguồn lực hữu hiệu trong nền kinh tế. 

Trở lại bài viết của Eastasiaforum, trong phần cuối của nội dung đã chỉ ra rằng, ‘các quốc gia thu nhập trung bình được xác định bởi khoảng cách của họ từ biên giới công nghệ toàn cầu và khả năng bắt kịp (đổi mới) của họ là rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách đó. Trên hết, để vươn tới biên giới, các quốc gia cần cởi mở với các ý tưởng và có các cơ chế cho phép các tương tác phức tạp hơn trong nền kinh tế trong và ngoài nước.’ Và, ‘hệ thống thể chế và chính trị có thể được minh chứng như là một gánh nặng đáng kể khi một quốc gia cố gắng tiến xa hơn trên các bậc thang thu nhập và công nghệ.’

Như vậy, về quan điểm nêu trên, thì kiềm chế chính trị hiện tại của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sức mạnh tăng trưởng kinh tế, nhưng với mức độ như thế nào thì vẫn còn là một ‘câu hỏi’.

Tuy nhiên, hãy xem xét cách thức tác động dưới sự đánh giá về Luật an ninh mạng của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, Luật An ninh mạng có thể đẩy doanh nghiệp Việt vào rủi ro phạm luật, gây khó cho hoạt động kinh doanh ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, dự luật này có thể khiến Việt Nam mất đi 1,7% tăng trưởng GDP.

Quốc Hội Việt Nam vẫn thông qua, và câu chuyện đó là minh chứng vì sao một cuộc cách mạng 4.0 hô hào về hình thức khi chiếc áo thể chế (quản lý) vẫn còn ở giai đoạn 0.4.