RSF lên án việc bỏ tù hai cựu phóng viên Nhà nước vì chống tham nhũng

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) tố cáo Việt Nam bịt miệng các nhà báo phục vụ quyền lợi công chúng khi vào tuần qua hai cựu phóng viên báo Nhà nước tòa tuyên án do tố cáo tham nhũng.

RSF phát đi thông cáo báo chí ngày 12/4, nêu lại hai phiên tòa xử cựu phóng viên Nguyễn Hoài Nam và  Phan Bùi Bảo Thy.

Ông Daniel Bastard, Trưởng Văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, được dẫn lời trong thông cáo báo chí cho rằng ‘tội duy nhất của ông Nguyễn Hoài Nam là đã cố gắng phục vụ quyền lợi công chúng qua việc cảnh báo chính quyền về tham nhũng. Tình trạng bị tù tội của ông nêu bật lên sự ràng buộc đối với phóng viên báo Nhà nước. Họ bị buộc phải tuân theo đường lối mà Ban Tuyên giáo của đảng cộng sản áp đặt ngay cả khi cố gắng hướng dư luận đến những vụ tham nhũng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, người từng cộng tác cho các tờ báo Nhà nước gồm Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Thanh Niên, VTV, vào ngày 5/4 bị tòa sơ thẩm TPHCM tuyên ba năm sáu tháng tù với cáo buộc tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Phiên xử diễn ra ba ngày sau đúng 12 tháng ông bị giam giữ tại Khám Chí Hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bản án, vào ngày 8/10/2018, ông Nguyễn Hoài Nam cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an các tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến một vụ tiêu cực tại Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam.

Dựa trên những tài liệu và dữ liệu điện tử mà ông Nguyễn Hoài Nam cung cấp, ba người bị xử về tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và kết luận 14 người có hành vi đưa hối lộ nhưng không xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng xử lý như vậy là không thỏa đáng nên không đồng tình và đăng lên Facebook cá nhân ý kiến cho rằng Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an ‘bao che, bỏ lọt tội phạm’.

Vào ngày 2/4/2021 Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) bắt giam ông Nguyễn Hoài Nam.

Phiên xử cựu phóng viên Báo Giáo dục- Thời đại Phan Bùi Bảo Thy diễn ra hai ngày sau phiên xử ông Nguyễn Hoài Nam do Tòa án tỉnh Quảng Trị tiến hành. Ông Thy bị tuyên 12 tháng cải tạo không giam giữ theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Theo cáo trạng ba ông Phan Bùi Bảo Thy, Lê Anh Dũng và Nguyễn Huy viết bài đăng lên mạng xã hội là một số lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Đó là các ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh và hiện là Bộ Trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch; ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, hiện giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cam Lộ; bà Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh Đoàn tỉnh Quảng Trị; ông Trần Đức Việt – nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Cáo trạng cho rằng ba người vừa nêu do ‘bức xúc cá nhân và nhận thức sai lệch về chống tiêu cực’ nên trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 2/2021 đã tiến hành thu thập tài liệu rồi biên tập và đăng lên mạng xã hội những bải viết bị cho ‘không đúng sự thật, xuyên tạc, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm’ của những lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vừa nêu.

Ông Thy bị Công an tỉnh Quảng Trị mời làm việc từ ngày 5/2 và đến ngày 10/2/ 2021 mới có lệnh khởi tố và bắt tạm giam.

Việt Nam bị xếp thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới mà RSF công bố hồi năm ngoái.